Thống kê

Thêm một đoạn văn bản ở đây. Nhấp vào ô văn bản để tùy chỉnh nội dung, phong cách phông chữ và màu sắc của đoạn văn của bạn.

Add Your Heading Text Here

 

Nguyên nhân của việc đổi họ này tựu chung do 2 yếu tố chính:

– Do biến cố về lịch sử, chính trị đất nước: Tổ tiên, cha ông có công với triều đại trước, sang triều đại sau con cháu sợ bị trả thù nên phải cải sang họ khác. Hoặc có thể người thân mắc trọng tội với triều đình bị khép tội chu di, anh em, con cháu phải mai danh ẩn tích, thay tên đổi họ để tồn tại.

– Do yếu tố về gia đình: Tổ tiên là người thừa tự bên ngoại, hoặc vì lý do nào đó đi làm con nuôi một họ khác mà lấy họ của mẹ hoặc họ của bố nuôi…

Dưới đây chúng tôi xin tổng hợp giới thiệu các dòng, chi họ trong hệ thống Họ Ngô Việt Nam đã hoặc đã từng đổi sang họ khác và các họ vốn không phải gốc họ Ngô nhưng hiện mang tên họ Ngô, đồng thời khái quát một số nét về nguyên nhân, gốc tích và đăc điểm của từng họ.

A. Họ Ngô cải sang các họ khác:

1. Họ Ngô cải   Dương (Vân Cốc – Vân Trung – Việt Yên – Bắc Giang).

Thủy tổ họ Dương Ngô này là Ngô Thụ Hương (đời 29 HNVN).

Ngô Luân (đời 23) đỗ Tiến sĩ năm 1475, Thượng thư, Đông các đại học sĩ, thành viên Hội Tao đàn thuộc dòng Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Con trai là Ngô Văn Phòng, đỗ Hoàng giáp năm 1484, cháu là Ngô Mậu Đôn, đỗ Tiến sĩ năm 1523. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông theo Mạc làm quan đến chức Thượng thư. Chắt là Ngô Mậu Du, đỗ Tiến sĩ 1565 làm quan đến chức Giám sát Ngự sử. Năm 1592, Trịnh Tùng diệt Mạc Mậu Hợp thu phục Thăng Long, Ngô Mậu Du chạy về căn cứ cũ của cha ở Ngọc Cốc huyện Yên Dũng. Đích tôn Ngô Mậu Du là Ngô Văn Chính về lại Phù Vệ, về sau đỗ Tiến sĩ năm 1637; thứ tôn Ngô Phúc Lộc ở lại Ngọc Cốc, sinh con Ngô Thụ Hương. Gặp khi Trịnh Tráng tảo thanh nhà Mạc, Ngô Thụ Hương sợ nhà Lê – Trịnh trả thù những người theo Mạc nên cho con cải sang họ mẹ là họ Dương, thành Dương Phúc Lan và Dương Đức Trạch. Con Dương Đức Trạch là Dương Quốc Cơ (1684-1747), tước Hiển Quận công. Dương Quốc Cơ (đời 31) là quan hoạn, không có con, nhận Hoàng Ngũ Phúc (1713-1766) làm con.

Nơi thờ tự Dương Quốc Cơ được xếp hạng cấp tỉnh năm 2006. Dòng Dương Ngô Vân Trung nay đến đời thứ 43.

2. Họ Ngô  cải Đào

Thủy tổ Ngô Quốc Nguyệt thuộc dòng họ Ngô Vi.

Ngô Quốc Nguyệt là con thứ Ngô Vi Chấn (đời 32 HNVN) đổi sang họ Đào. Phả họ Ngô Vi chỉ chép có vậy, nên không rõ lí do đổi họ và các thế hệ kế tiếp. Họ Ngô Vi nay đến đời 43.

3.  Họ Ngô cải  Đỗ (Ngọc Than – Ngọc Mỹ – Quốc Oai – Hà Nội).

Thủy tổ họ Đỗ Ngô này là Ngô Đạo (đời 23 HNVN).

Ngô Hộ (đời 22)  Đức Quận công, sinh 3 con trai: Ngô Hoan (1452-?) đỗ Hoàng giáp 1478, Ngô Hoán (1460-1532) đỗ Bảng nhãn 1490, Lại bộ Thượng thư thành viên Hội Tao đàn và Ngô Đạo (?-1534).

Năm 1527, khi Mạc cướp ngôi nhà Lê, Ngô Đạo cho vợ con trốn chạy khỏi Thượng Đáp – Nam Hồng – Nam Sách – Hải Dương về xã Đan Điền tổng Yên Bồ – Tứ Kỳ (nay thuộc xã Dũng Tiến – Vĩnh Bảo – Hải Phòng). Đến khi Ngô Hoán phò vua Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hóa ứng nghĩa “Phù Lê” do An Thanh hầu Nguyễn Kim đề xướng, cha con Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh mấy lần mang quân vào đánh, nhưng bị thua đau, có trận “quân Mạc bị chém hàng vạn tên, xác chết gối lên nhau”. Mạc Đăng Dung cay cú trả thù con em những người không theo Mạc mà theo Nguyễn Kim, cho quân về Thượng Đáp giết hại con cháu Ngô Hoán. Thấy vậy, Ngô Đạo đưa vợ con chạy về Ngọc Than (nay thuộc Ngọc Mỹ – Quốc Oai – Hà Nội), cho con cải sang họ Đỗ. Đến nay đã 19 đời tức con cháu họ này đã đến đời 42.

4. Họ Ngô cải Hoa, trở lại Ngô  (La Phù – Hoài Đức – Hà Nội).

Thủy tổ họ Hoa Ngô này là Ngô Ngọc Phác (đời 22 HNVN).

Ngô Ngọc Phác là con thứ 11 (con út) của Thanh Quốc công Ngô Khế (1426-1514). Khi cùng Nguyễn Xí bàn cách phế Lê Nghi Dân để khôi phục chính thống, phòng khi sự nghiệp bất thành, lâm vào nạn tru di, Ngô Khế cho 6 con lớn đi ẩn cư khỏi quê, mà phả xưa gọi là “lục nam cư biệt quán”. Khi ấy Ngô Ngọc Phác cùng anh Ngô Thế Thái còn bé vẫn ở lại quê nhà Thanh Hóa. Mấy năm sau Ngô Thế Thái tòng chinh, mới đưa em là Ngô Ngọc Phác ra La Phù (nay thuộc Hoài Đức – Hà Nội). Phả xưa không cho biết lí do vì sao chọn đất La Phù; còn việc cải sang họ Hoa thì giải thích là từ Thanh Hóa ra nên lấy Hoa làm họ (Quyết sơ chí tự Hoa dĩ Hoa vi tính). Ngô Ngọc Phác đổi thành Hoa Phúc Quảng (đời 22). Đến đời thứ 32, do kị húy bà Hồ Thị Hoa là mẹ vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, nên nhất loạt lấy lại họ Ngô.

Dòng họ có anh Ngô Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cỗ phần Cầu 5 Thăng Long, là một trong hai nhà tài trợ chính cho các hoạt động của HĐNTVN. Dòng họ Ngô La Phù nay đến đời 40.

5. Họ Ngô cải Hoàng  (Ngô Xá Hạ – Thiệu Minh – Thiệu Hóa –  Thanh Hóa).

Thủy tổ họ Hoàng Ngô này là Hoàng Phúc Lương (chưa kết nối).

Theo ông Hoàng Anh Đào (1930, đời 16) thì lý do đổi họ là lo sợ bị trả thù. Vì Gia Phả bị mất năm 2001 nên không có danh tính các bậc tiên tổ. Họ Hoàng Ngô này có 19 đời. Với số đời ấy, thì có thể khẳng định là do sợ nhà Mạc trả thù. Cả Gia Phả họ Ngô cũng như sách Đại Việt sử ký Toàn thư đều ghi nhận năm 1530, Mạc Đăng Dung mang quân vào đánh Thanh Hóa, tàn phá Đồng Phang và khu vực lân cận, nên họ Ngô ở Ngô Xá Hạ sợ họ tộc bị sát hại mới đổi sang họ Hoàng. Các họ lánh nạn nhà Mạc đều có số đời 18-19.

6. Họ Ngô  cải Lê1  (Bàu Điều – Phước Thành – Củ Chi – TP Hồ Chí Minh).

Thủy tổ họ Lê Ngô này là Ngô Văn Vện (chưa kết nối).

Quê gốc Trảng Bàng, Tây Ninh, đến lập nghiệp ở ấp Bàu Điều – Phước Thành – Củ Chi – TP. HCM.

Ông Ngô Văn Vện lấy bà Lê Thị Phận, bà Phận được sở hữu 50 ha đất ở ấp Bàu Điều. Để hợp thức việc sở hữu số ruộng đất này, ông Ngô Văn Vện chấp nhận cho các con mang họ Lê. Ông bà có 6 con trai trong đó 4 người có con cháu đến ngày nay đều mang họ Lê: Lê Văn Nghiêm, Lê Văn Nghiệm, Lê Văn Thứ, Lê Văn Hảo. Đến năm 2010 họ có 8 thế hệ và rất đa đinh.

7. Họ Ngô  cải Lê2 (Triều Dương – Tiên Lữ – Hưng Yên)*

Thủy tổ của họ này là cụ Ngô Đình Chí (chưa kết nối).

Cụ Ngô Đình Chí và 4 người em di cư từ khu vực miền Trung  theo đường biển ra, ngược  theo sông Luộc đến Phố Hiến, một thương cảng buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyền rồi đi sâu vào đất liền đến định cư tại thôn Triều Dương. Cụ Ngô Đình Chí được cụ Lê Đăng Dụng người trong làng nhận làm con nuôi và mang họ Lê từ đó. Ngày nay con cháu không biết rõ tổ tiên mình chính xác xuất xứ từ đâu đến, chỉ biết theo truyền miệng thì từ một vùng núi của Hà Tĩnh.
Hện trong họ lưu truyền một câu nói phổ biến “Trong Ngô ngoài Lê”, với ý, hiện tất cả các giấy tờ đều mang họ Lê nhưng khi cúng tế giỗ chạp, tảo mộ… đều khấn vái họ Ngô. Bởi vậy họ đã chọn danh xưng là họ tộc Ngô Lê (chính ra phải là Lê Ngô). Thực tế đây chỉ là một chi của họ Lê thôn Triều Dương, vì bà con vẫn đang sinh hoạt chung trong cả họ, nhưng được biết đây là chi phát triển đông đúc nhất của họ Lê thôn Triều Dương.
Họ Lê thôn Triều Dương huyện Tiên Lữ đến nay đã có 14 – 15 đời. Cành Lê Ngô bắt đầu từ đời thứ 8, như vậy hiện đã được 7 – 8 đời.
 

8. Họ Ngô cải  Nguyễn1  (Xuân Lũng – Lâm Thao – Phú Thọ).

Thủy tổ họ Nguyễn Ngô này là Ngô Tiến Đức (chưa kết nối).

Ngô Tiến Đức thuộc dòng Điện Bàn hầu Ngô Hồng (đời 21 HNVN), nhưng chưa nối được. Ngô Tiến Đức, làm giám quan tại triều ở Thăng Long, vợ là Mai Thị Tình, gặp thời “binh cách” lánh về Xuân Lũng – Sơn Vi, nay là Lâm Thao, Phú Thọ sinh 3 con đều cho mang họ Nguyễn. Người con út là Nguyễn Chánh Tuân, đỗ Hoàng giáp năm 1514, làm quan đến chức Thượng thư, tước Ngọc Quận công. Khi Mạc Dăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Nguyễn Chánh Tuân không ra làm quan với nhà Mạc, triều Lê trung hưng phong “Tiết nghĩa”.

Chi họ Nguyễn Ngô này đến 2010 đã được 20 đời. GS – Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo (1937 – 2006), nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – nhà Cơ học hàng đầu của Việt Nam là cháu ngoại của họ Nguyễn Ngô Xuân Lũng.

9. Họ Ngô cải Nguyễn2  (Tân Phúc – Ân Thi – Hưng Yên).

Thủy tổ họ Nguyễn Ngô này là Nguyễn Thân Bế (đời 26 HNVN).

Con thứ Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu dòng Tam Sơn – Từ Sơn -Bắc Ninh là Ngô Dịch (Ts 1556) sinh 4 con trai, con thứ 3 là Thân Bế. Thân Bế từ Ngọc Nhuế huyện Đường Hào – Hải Dương chuyển lên Hương Mạc, cải sang họ Nguyễn do thừa tự bên ngoại. Ngọc Nhuế nay thuộc xã Tân Phúc huyện Ân Thi, Hưng Yên. Thân Bế sinh Nguyễn Dụng, đỗ Hoàng giáp năm 1592 đời Mạc Hồng Ninh. Cháu nội Nguyễn Dụng là Nguyễn Trưởng (1677 – 1752), tri huyện Hạ Hòa sinh Nguyễn Cửu. Nguyễn Cửu có 6 con trai: Cẩm, Anh, Lai, Điển, Lễ (vt) và Bảo. Nguyễn Bảo có cháu nội là Xuân Cai. Ông Cai có mộ tại Giáp Lục, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Con cụ Xuân Cai ở thôn Báo Thiên huyện Thọ Xương phủ Hoài Đức, nay là khu vực phố Hàng Vải quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Múc thôn Ngọc Nhuế hiện vẫn thờ Hoàng giáp Nguyễn Dụng, nhưng không biết vị Hoàng giáp này gốc họ Ngô (theo ông Ngô Ngọc Hỷ, họ Ngô Hương Mạc). Vì chưa liên lạc được với họ này nên không rõ con cháu ngày nay vào đời thứ mấy.

10. Họ Ngô cải Nguyễn3, trở lại Ngô  (Chi Các – Việt Hòa – TP Hải Dương – Hải Dương).

Thủy tổ họ Nguyễn Ngô này là Nguyễn Huyền Chính (chưa kết nối).

Chi Các xưa thuộc tổng Đan Tràng, huyện Cẩm Giàng, nay là phường Việt Hòa TP. Hải Dương.

Cháu nội Nguyễn Huyền Chính là Nguyễn Phúc Ninh có 5 con trai: Nguyễn Phúc Khoan, Nguyễn Phúc Dong, Nguyễn Huyền Nghiễm, Nguyễn Xuân Huyên và Nguyễn Xuân Phương.

Nguyễn Phúc Dong là người đầu tiên lấy lại họ Ngô thành Ngô Chí Vân. Nguyễn Phúc Khoan đến đời cháu nội mới lấy họ Ngô là Ngô Chí Định. Nguyễn Huyền Nghiễm vô tự. Xuân Huyên chuyển cư về xã An Sơn – Nam Sách vẫn giữ họ Nguyễn. Xuân Phương vô tự.

Trưởng tộc Ngô Văn Bạt (1930, đời 11) đã có chắt vào đời 14, cho biết “cả chi họ không ai cho mình là họ Nguyễn mà họ Ngô”.

Lý do đổi từ họ Ngô sang họ Nguyễn có thể lý giải như sau: Họ Ngô Chi Các 14 đời, với tốc độ sinh dọc 28, tính ra cụ Thủy tổ Nguyễn Huyền Chính sinh vào khoảng 1600-1620.

Tuy chiếm được Thăng Long vào năm 1592, đầu năm 1593 nhà Lê đã thiết triều ở đó, nhưng vùng đất Kinh Bắc, Hải Dương vẫn còn bị nhà Mạc chiếm đóng hoặc uy hiếp, là bàn đạp để đánh chiếm Thăng Long vào các năm 1600, 1623. Đây cũng là thời gian con cháu Bảng nhãn Ngô Hoán ở Thượng Đáp – Nam Sách bị nhà Mạc trả thù giết hại, nên phải chạy trồn hoặc mai danh ẩn tích, cải sang họ khác để bảo toàn. Vì vậy rất có thể họ Ngô Chi Các là hậu duệ của Bảng nhãn Ngô Hoán. Nhận định đó được họ Ngô Chi Các tán thành.

11. Họ Ngô cải Nguyễn4, trở lại Ngô  (Đan Nhiễm – thị trấn Nam Đàn – Nghệ An và Trình Phố – An Ninh – Tiền Hải – Thái Bình).

Thủy tổ họ Nguyễn Ngô này là Ngô Đình Tứ (chưa kết nối).

Ngô Đình Tứ có 3 con trai: Ngô Chân Tính, Ngô Đình Ánh và Ngô Đình Hạp. Ngô Đình Hạp vô tự. Còn con cháu hai người anh đều đổi sang họ Nguyễn với lý do và thời điểm khác nhau.

©  Con trưởng Ngô Chân Tính, đồng tri phủ Nghĩa Hưng có mộ tại Trình Phố. Sau khi ông chết, “gặp thời Lê mạt binh cách”, bà vợ họ Chu dẫn hai con trai là Phúc Thiện và Hữu Điền theo ông Võ Trọng Tuân là “Trưởng quan Nghệ xứ, Đan Nhiễm thôn” về quê ông. Đan Nhiễm thuộc xã Thịnh Lạc tổng Xuân Liễu huyện Nam Đàn phủ Anh Sơn tỉnh Nghệ An, nay là thị trấn Nam Đàn. Khi đến đây cả hai con cụ Ngô Chân Tính đều đổi sang họ Nguyễn. Nguyễn Hữu Điền có 5 con trai; con thứ hai là Nguyễn Hữu Lại (1748-1786) là Lê triều ưu binh Chánh đội trưởng, thăng thụ bách hộ, thiên hộ tổng tri, hi sinh trong trận Nguyễn Huệ phá thành Phú Xuân ngày 20 – 5 Mậu Thìn (15-6-1786). Cùng đi với cha còn có người con trưởng Ngô Hữu Châu, khi ấy mới 15 tuổi, may mắn chỉ bị thương được người cai đội họ Trần quê xã Nghĩa An huyện Tư Nghĩa cứu thoát nuôi làm con. Đến năm  Minh Mạng 13 (1832) hai con trai ông Châu là Cảnh và Bình nhân một chuyến đi biển đã lần tìm về quê nội ở Đan Nhiễm. Đến năm Duy Tân Quý Sửu (1913) ông Nguyễn Ngô Bính họ Đan Nhiễm vào Quảng Ngãi tìm thăm anh em họ hàng. Do vậy mà biết được ông Cảnh có con cháu nối dõi, còn ông Binh vô tự để chép vào Phả họ Đan Nhiễm.

Phả họ Đan Nhiễm còn chép: Năm Bảo Đại Đinh Mão (1927) hai họ Đan Nhiễm, Trình Phố thống nhất lấy lại họ cũ là họ Ngô.

© Con thứ hai Ngô Đình Ánh (đời 2) vẫn ở Trình Phố sinh 2 con trai, trưởng là Ngô Vị (1703 – 1764). Ngô Vị sinh 5 con trai, trưởng là Ngô Đắc Khản (1724 – 1807), do thừa tự bên ngoại họ Nguyễn nên cho con cải họ Nguyễn thành Nguyễn Ngô Thiều (1763 – 1824). Còn 4 người con khác của Ngô Vị vẫn mang họ Ngô.

Cháu nội thứ Nguyễn Ngô Thiều là Nguyễn Quang Bích (1832 – 1890, đời 7), Đình nguyên Hoàng giáp, Hiệp thống quân vụ Bắc Kỳ, lãnh tụ phong trào Cần vương chống Pháp.

Đến đời thứ 9 thì nhất loạt lấy lại họ Ngô. Đến 2010 chi họ có 13 đời. Họ này có ông Ngô Quang Nam (đời 10) hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc Việt Nam; Ngô Văn Giao (đời 11) là Thiếu tướng quân đội đang tại vị.

12. Họ Ngô cải Nguyễn5  (Chế Nhuệ – Tình Cương – Cẩm Khê – Phú Thọ)

Thủy tổ họ Nguyễn Ngô này là Ngô Tiến Lộc (chưa kết nối).

Ngô Tiến Lộc quê gốc ở làng Quần Anh – Hải Hậu – Nam Định, chuyển cư lên Chế Nhuệ – Tình Cương – Cẩm Khê – Phú Thọ, sinh con lấy họ Nguyễn thành Nguyễn Đắc Danh, Nguyễn Đắc Thọ. Đến 2010 đã có 11 đời, con cháu cũng không rõ vì sao cụ tổ lại đổi họ.

Theo Gia phả họ Ngô Bái Dương – Nam Dương – Nam Trực – Nam Định, họ này có con cháu ở Quần Anh

Cũng ở họ Ngô Bái Dương (họ có 16 đời) có Ngô Thiện, Ngô Thọ (cùng đời 12); Ngô Vịnh, Ngô Thân (cùng đời 13) di cư lên xã Điêu Lương – Cẩm Khê, chưa rõ có quan hệ với họ Chế Nhuệ không.

Tuy nhiên, với số đời 11, thì họ Chế Nhuệ không thể phân chi từ họ Ngô Bái Dương.

13. Họ Ngô cải Nguyễn6  (Phục Thiện – Hoàng Tiến – Thị xã Chí Linh – Hải Dương).

Thủy tổ họ Nguyễn Ngô này là Ngô Vi Bàn (đời 32 HNVN).

Ngô Minh Đạt tự Ngũ Kiên (đời 31) dòng Ngô Vi – Tả Thanh Oai – Thanh Trì – Hà Nội sinh 3 con trai: Vi Bàn, Gia Tân, Trực Mẫn. Ngô Vi Bàn sinh 3 trai: Vi Thái, Vi Bách, Vi Duệ. Ngô Vi Bàn là người chuyển cư về xã Phục Thiện huyện Chí Linh, cải sang họ Nguyễn. Lý do đổi họ là vì trong thời gian làm quan Hiến sát phó sứ Hải Dương, Ngô Gia Tân có quan hệ nào đó với những người theo Mạc, sợ nhà Lê Trịnh hạch tội nên cha cụ Gia Tân là Minh Đạt cho các cháu trưởng là con Ngô Vi Bàn hiệu Bá Kỳ chạy về xã Phục Thiện – Chí Linh – Hải Dương cải sang họ Nguyễn. Họ Nguyễn Ngô này thờ từ cụ Ngô Minh Đạt trở xuống. Vì chưa có Gia phả họ này, nên chưa rõ con cháu ngày nay vào đời thứ mấy.

14. Họ Ngô cải Nguyễn7  (Diễn Kỷ – Diễn Châu – Nghệ An).

Thủy tổ của họ Nguyễn Ngô này là Ngô Đình Du (đời 36 HNVN).

Ngô Đình Du thuộc dòng Lý Trai – Diễn Kỷ – Diễn Châu – Nghệ An. Ngô Đình Du đi làm con nuôi bà cô ruột là Ngô Thị Cay, vợ ông Nguyễn Trung Tuyết, sinh được 3 con trai đều mang họ Nguyễn, đến nay đã được 9 đời đều dùng tên đệm “Trọng”. Nhà thơ khá nổi tiếng Nguyễn Trọng Tạo vào đời thứ 7. Con cháu họ Nguyễn Ngô này, nay đến đời 44.

15. Họ Ngô cải Nguyễn8 (Lạng Điền – Anh Sơn – Nghệ An)*

Thủy tổ là Ngô Văn Cảnh (gốc Trảo Nha – Hà Tĩnh).

Ngô Văn Cảnh lấy bà họ Hoàng, sinh được 4 trai, 3 gái. Năm Ất Tỵ (1725) do tránh giặc nên đưa con cháu về ở xã Lạng Điền, Người con trai thứ 3 là Ngô Văn Giáo lấy bà họ Phan người bản xã, năm 1755 sinh trai là Ngô Văn Minh. Văn Minh được cậu là một viên quan tri huyện nuôi, đến năm 23 tuổi cho lấy họ Nguyễn Phan. Đến khoa thi năm Canh Tý (1780) đi thi với tên Nguyễn Phan Thuyên và đỗ nhất cử. Năm 1981 ông lấy vợ người xã Mực Điền là Nguyễn Thị Oanh, ở gửi rể tại đây 10 năm. Năm 1792 trở về làm nhà sinh sống ở xá Lạng Điền. Năm 1789 làm quan Thị nội Văn chức, năm 1797 làm quan tri huyện Tương Dương, năm 1830 thăng chức Tham Nghị. Tên đề Nguyễn Phan là ý tỏ ơn nuôi, còn chính gốc họ Ngô nên sau đổi là Nguyễn Ngô.

Ông sinh được 3 trai: Con đầu Nguyễn Ngô Thủy, đỗ sinh đồ năm Mậu Tý (1828), làm quan đến chức Tri phủ; con thứ Nguyễn Ngô Vị, đỗ sinh đồ năm Tân Mão (1831), làm quan chức Tri phủ; con thứ ba Nguyễn Ngô Luân, đỗ sinh đồ năm Đinh Mão (1807) và Mậu Tuất (1838), làm Tri huyện Lệ Thủy.

Con cháu 3 vị này sau thành 3 chi của họ. Họ Nguyễn Ngô Lạng Điền đến nay đã được 13, 14 đời.
 

16. Họ Ngô cải Phạm1  (Quỹ Đê – Trực Hưng – Nam Trực – Nam Định).

Thủy tổ họ Phạm Ngô này là Ngô Công Vạn (đời 24 HNVN).

Ngô Công Tín (đời 22) – Thủy tổ dòng Bách Tính – Nam Hồng – Nam Trực – Nam Định là con thứ 6 trong “lục nam cư biệt quán” của Thanh Quốc công Ngô Khế. Đến đời cháu thì thứ tôn Ngô Công Vạn chuyển cư về Quỹ Đê – Trực Hưng cùng huyện Nam Trực, cải sang họ Phạm là họ mẹ, có lẽ là do thừa tự bên ngoại. Cháu nội Ngô Công Vạn là Phạm Thế Trưng (1541-1606), Thái bảo Chân Quận công. Đền thờ Phạm Thế Trưng đã được xếp hạng cấp nhà nước.

Nguyên Phó chủ nhiệm UBKHXH nhà nước Phạm Khiêm Ích thuộc họ này. Con cháu họ Phạm Ngô này đến nay đã đến đời 44.

17. Họ Ngô cải Phạm2  (Gia Cầu – Hà Vinh – Hà Trung – Thanh Hóa).

Thủy tổ họ Phạm Ngô này là Ngô Đăng Lý (đời 29 HNVN).

Ngô Đăng Sỹ (1629 – 1692) Thái bảo Cẩm Quận công, dòng dõi Hán Quốc công Ngô Lan, kinh dinh 180 mẫu tự điền của Hán Quốc công ở Gia Cầu – Hà Vinh – Hà Trung – Thanh Hóa. Ông có 10 bà vợ; vợ cả Diệu Nghiêm công chúa, là Quận chúa họ Trịnh – con gái Trịnh Tạc, chỉ sinh con gái. Các bà vợ còn lại sinh 6 con trai, trong đó người vợ thứ 6 Nguyễn Thị Xuân (1641-1685) sinh Ngô Thị Mỹ và Ngô Đăng Lý là con trai thứ 5. Ngô Thị Mỹ khi nhỏ vào hầu trong nội phủ, sau chúa gả cho ông Tuấn Vũ hầu họ Phạm làm thiếp. Ngô Đăng Lý khi lên 3 tuổi mẹ chết, lên 10 tuổi thì bố chết, nên về ở với chị, nhận ông Tuấn Vũ hầu làm bố nuôi và cải sang họ Phạm thành Phạm Ngô Lý. Đến nay đã 10 đời. Hậu duệ ngày nay ở nội thành Hà Nội, ở Tân Thôn – Phú Nam An – Chương Mỹ, ở Phụng Công – Văn Giang – Hưng Yên,..

Phạm Ngô Lý (1683-1739) về sau có nhiều công lao với nhà Lê – Trịnh, được phong Thái bảo, Bộc Quận công. Phạm Ngô Lý có 10 con trai, trong đó Phạm Ngô Cầu là con thứ 8.

Phạm Ngô Cầu (1720-1786) đỗ tạo sĩ (Tiến sĩ võ) là một vị tướng tài có nhiều công lao với nhà Lê – Trịnh, được phong Tạo Quận công. Năm 1775, Phạm Ngô Cầu thay Hoàng Ngũ Phúc làm trấn thủ Thuận Hóa, đến ngày 20-5 năm Bính Ngọ (15-6-1786) bị Nguyễn Huệ đem quân từ Bình Định ra đánh chiếm Thuận Hóa, Phạm Ngô Cầu bị bắt đưa vào Qui Nhơn, luận tội phải chém. Cùng bị bắt với cha có người con gái Phạm Thị Đương, được Nguyễn Huệ mang về Qui Nhơn. Bị ép làm thiếp, nàng không chịu. Đến ngày 07 – 8 năm Bính Ngọ, Phạm Ngô Cầu thọ hình, Phạm Thị Đương xin được mang xác cha về quê chôn rồi sẽ quay vào thọ mệnh. Yêu cầu được chấp thuận, nàng cùng quân lính Tây Sơn mang xác Phạm Ngô Cầu về chôn trên núi Vi Bồng bản xã Gia Cầu, mộ nay vẫn còn. Không rõ về sau Phạm Thị Đương có sinh được người con nào với vua Quang Trung không? Con cháu họ Phạm Ngô này nay đến đời thứ 40.

18. Họ Ngô cải Phan1 (Nguyệt Lâm – Vũ Bình – Kiến Xương – Thái Bình).

Thủy tổ họ Phan Ngô này là Phan Phúc Tâm (chưa kết nối).

Phan Phúc Tâm (1556-1614) quê Chân Định, Trà Hương, nguyên họ Ngô, do đi làm con nuôi một ông họ Phan, nên đổi theo họ bố nuôi thành Phan Phúc Tâm.

Địa danh Chân Định là tên của huyện Kiến Xương thuộc phủ Kiến Xương trấn Sơn Nam dưới thời Lê Trung Hưng, về sau do kị húy Dục Đức, vua thứ 5 nhà Nguyễn là Nguyễn Phúc Ưng Chân, đổi thành Trực Định. Còn địa danh Trà Hương thì chỉ có ở 3 nơi là Nam Sách, Kinh Môn – Hải Dương và ở Kiến Thụy – Hải Phòng chứ huyện Kiến Xương không có. Có hay không có địa danh Trà Hương ở huyện Kiến Xương liên quan mật thiết đến việc xác định quê gốc của cụ Thủy tổ Ngô (Phan) Phúc Tâm. Nhưng đó không phải là vấn đề cần giải quyết trong nội dung bài viết này.

Cháu nội Phan Phúc Tâm là Phan Phúc Thông (1646 – 1724) có 6 con trai phân thành 6 cành. Cành 3 Phan Trọng Vận (1684 – 1763) có 9 con trai thành 9 chi, trong đó chi thứ 5 Phan Trác Quán (1732 – 1805) hiệu Bích Giang, đỗ tam trường, làm quan Hiến sát phó sứ Sơn Nam Hạ. Ông là người viết Gia Phả của họ còn lại đến ngày nay. Phan Trác Quán sinh 2 con trai đều lấy lại họ Ngô là Ngô Quốc Lương, Ngô Trọng Lạn. Con cháu hai vị này đều mang họ Ngô đến ngày nay. Chi này có Ngô Thế Dũng, Thiếu tướng Cục phòng chống ma túy, bộ đội Biên phòng.

Còn tất cả các cành, chi khác đều mang họ Phan.

Họ Phan Ngô này có 16 đời và có đến hơn 1.400 suất đinh.

19. Họ Ngô cải Phan2  (Xuân Thành – Yên Thành – Nghệ An).

Thủy tổ họ Phan Ngô này là Ngô Phúc Đào (đời 25 HNVN).

Ngô Nhân Dũng (đời 23) Thái úy Trường Quốc công, thuộc dòng Huệ Quốc công Ngô Nạp, lấy con gái Phan Công Tích là Phan Thị Thương sinh 4 con trai, con út là Ngô Phúc Viết có 2 con trai: Ngô Phúc Lộc, Ngô Phúc Đào. Ngô Phúc Đào sinh 4 con trai đều đổi sang họ Phan do thừa tự bên ngoại: Phan Hoằng Đỗ, Phan Hoằng Mô, Phan Hoằng Mộ, Phan Hoằng Mỹ. Phan Hoằng Đỗ vợ là bà Phan Thị Duyên sinh Phan Hoằng Loan. Phan Hoằng Loan, vợ là bà Lê Thị Quýnh sinh 3 trai: Hoằng Liêm, Hoằng Vâng, Hoằng Khai. Phan Hoằng Vâng, vợ là bà Võ Thị Hành sinh 4 trai, trưởng là Hoằng Giám. Những người khác được nêu tên ở trên đều không chép vợ con.

Trên đây là những thông tin do ông trưởng tộc Phan Hoằng Trúc cung cấp.

Đối chiếu những tư liệu ở trên từ trưởng tộc Phan Hoằng Trúc với bản phả đầu tiên của họ Ngô được in typo năm 1991, do cụ Ngô Đức Thắng biên soạn, cho biết: Ngô Phúc Đào sinh: Phan Đỗ, Phan Mô, Phan Mưu, Phan Mỹ; trong đó Phan Mưu sinh Phan Chính Niệm, thiên cư về Minh Giám sinh Tấn Minh. Cháu 5 đời Phan Tấn Minh là Phan Bá Vành.

Qua đó cho thấy Phan Bá Vành thuộc dòng dõi Ngô Phúc Đào cần phải tiếp tục khảo cứu kỹ hơn. Cũng cần lưu ý rằng con cháu hay gán tên đệm của mình cho các bậc tiên tổ.

20. Họ Ngô cải Phan3  (Tống Văn – Vũ Chính – TP Thái Bình – Thái Bình).

Thủy tổ họ Phan Ngô này là Ngô Phúc Thọ (đời 30 HNVN).

Thủy tổ dòng Đồng Phang I Ngô Khắc Cung (1452 – 1541, đời 22) là con trai thứ 7 của Thanh Quốc công Ngô Khế (1426 – 1514). Đến đời 28 là Đằng Giang hầu Ngô Tiến Vinh, cũng tức Tiến Triều (1623 – 1701). Ngô Tiến Vinh có 6 con trai, con thứ 3 là Ngô Đình Quyền (1640 – 1713). Ngô Đình Quyền có 4 con trai, trưởng là Ngô Phúc Thọ. Ngô Phúc Thọ bốc cư về Tống Văn nay thuộc xã Vũ Chính, TP. Thái Bình, đổi sang họ Phan. Về lý do đổi họ, Phan Hữu Lập là con cháu họ này (đời 31) soạn Ngô gia thế biên vào giữa thế kỷ XVIII, cho biết giữa hai họ Ngô, Trịnh có mối bất hòa, nên sợ mới đổi sang họ Phan. Việc đổi sang họ Phan, theo Phan Bá Khoát là để giữ âm Đồng Phang – quê gốc của dòng họ ở xã Định Hòa – Yên Định – Thanh Hóa. Mối bất hòa giữa Ngô – Trịnh mà Phan Hữu Lập nói, xảy ra vào thời Vĩnh Thịnh (1705 – 1719). Ông  nội Ngô Phúc Thọ là Ngô Tiến Vinh một viên tướng tài ba phò tá Trịnh Bách, về sau hai con Trịnh Bách là Trịnh Luân, Trịnh Phất mưu giết Trịnh Cương – người được chúa Trịnh Căn chọn kế vị mình. Luân và Phất bị ông nội là Trịnh Căn cho bắt giết, Ngô Đình Quyền sợ, cho con trưởng Ngô Phúc Thọ lánh về Tống Văn. Mấy năm sau Ngô Đình Quyền cũng ra Tống Văn ở với con trưởng, được mấy năm mới mất, có mộ tại Tống Văn. Con cháu họ Phan Ngô Tống Văn đến 2010 đã đến đời 44.

21. Họ Ngô cải Trần  (Vị Xuyên – TP. Nam Định – Nam Định).

Thủy tổ họ Trần Ngô này là Ngô Tất Đoan (đời 31 HNVN).

Con thứ Thế Quận công Ngô Cảnh Hựu (1520 – 1596) là Ngô Thuận Tâm dòng Trảo Nha. Ngô Thuận Tâm (đời 27) có mộ ở xã Thạch Ngọc – Thạch Hà – Hà Tĩnh. Con Ngô Thuận Tâm là Ngô Tất Thắng, tri huyện Lập Thạch, cháu là Ngô Tất Thông, viên ngoại lang được thừa tự hai ấp Cầu Gia và Vị Xuyên, Nam Định. Cháu nội Ngô Tất Thông là Ngô Tất Đoan cho các con cải sang họ Trần để tránh họa do Ngô Văn Sở theo Tây Sơn tam kiệt khi nhà Tây Sơn khởi nghiệp năm 1771. Con cháu họ Ngô cải Trần ở ấp Cầu Gia huyện Mỹ Lộc, Nam Định, xưa nay không có liên hệ. Họ Trần Ngô ở ấp Vị Xuyên TP. Nam Đinh, hơn 20 năm trước chỉ còn duy nhất một người con trai là ông Trần Xuân Phong, làm ở ban Pháp chế Tổng cục Đường sắt (nay đã mất). Ông Phong chỉ có 1 người con trai ở Hà Nội. Con cháu họ Trần Ngô này đến 2010 đến đời 40.

22. Họ Ngô cải Vũ  (Lạc Thủy – Xuân Hồng – Xuân Trường – Nam Định).

Thủy tổ họ Vũ Ngô này là Ngô Doãn Phiên (đời 33 HNVN).

Ngô Đình Huy dòng Lạc Nghiệp – Thọ Nghiệp – Xuân Trường – Nam Định sinh 4 con trai: Doãn Truyền, Doãn Phiên, Doãn Tài, Doãn Lực. Ngô Doãn Phiên chuyển cư về Lạc Thủy xã Xuân Hồng, cho con đổi sang họ Vũ là họ ngoại thành Vũ Đình Thạc. Vũ Đình Thạc có 6 con trai, về sau rất đa đinh. Nay đã đến đời 42.

Họ Vũ Ngô có vài nhân vật đáng chú ý: Vũ Ngô Phụng, nguyên Tùy viên Văn hóa ĐSQ Việt Nam tại TQ, con trưởng là Vũ Văn Trọng, nguyên Bí thư thứ nhất ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc. Vũ Tào Hồng, GĐ  ngân hàng ADB.

 

B. Các họ khác cải sang họ Ngô

1. Họ Ngô gốc Nguyễn (Nghĩa Lập – Phù Khê – Từ Sơn – Bắc Ninh).

Thủy tổ Nguyễn Gia Mưu là học trò Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu, sau thi đỗ Tiến sĩ năm 1559, được Trạng Thiệu gả con gái làm vợ. Để trả nghĩa thầy, Nguyễn Gia Mưu cho 1 con trai lấy họ mẹ là họ Ngô, đặt tên đệm “Sách”. Con cháu Nguyễn Gia Mưu cành Ngô Sách chuyển cư về quê vợ Tam Sơn, sản sinh ra 4 nhà khoa bảng: Ngô Sách Thí đỗ Tiến sĩ năm 1659, Ngô Sách Dụ đỗ Tiến sĩ 1664, Ngô Sách Tuân (1648 – 1697) đỗ TS 1667, Ngô Sách Tố (1690 – 1747) đỗ Thám Hoa 1721.

2. Họ Ngô Văn gốc Nguyễn (phường Mỹ Độ – TP Bắc Giang tỉnh Bắc Giang).

Thủy tổ là Nguyễn Phúc Thắng, con trưởng Nguyễn Công Hãng (1680 – 1732) tránh họa tru di chạy lên Mỹ Độ cải sang họ Ngô.

Năm 2013, Từ đường của dòng họ này được công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

3. Họ Ngô gốc Mạc (thôn Hoa Phú – Bình Dương – Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc)

Là hậu duệ Mạc Mậu Hợp. Năm 1592, nhà Lê đánh chiếm Thăng Long, nhà Mạc bị diệt. Mạc Mậu Hợp khi ấy đang làm vua bị  bắt giết. 18 con trai của Mạc Mậu Hợp bị giết mất 15 người, chỉ còn 3 người chạy thoát là: con trưởng tên Thao, con thứ ba là Phổ, con thứ sáu là Thanh. Họ Ngô gốc Mạc Hoa Phú là hậu duệ của người con thứ ba là Phổ. Thông tin trên do các ông Ngô Quang Phung, Ngô Văn Hợp, Ngô Hữu Mai công bố từ gia phả cũ, do ông Mạc Văn Trung đưa lên mạng.

4. Họ Ngô gốc Bùi (Vân Xuyên – Hoàng Vân – Hiệp Hòa – Bắc Giang)

Họ có nhân vật nổi tiếng thời Lê Trung Hưng Trịnh Ngô Dụng (1684 – 1746), đỗ Tiến sĩ 1721, Binh bộ Thượng thư, tước Nhi quận công. Trịnh Ngô Dụng vốn tên Ngô Dụng được ban quốc tính thành Trịnh Ngô Dụng. Trịnh Ngô Dụng là đời thứ 3 của họ này. Cha Trịnh Ngô Dụng là Ngô Văn Khuyến, Hộ bộ Tả Thị lang Diên Trạch bá. Ông nội là Ngô Hữu tự Minh Độ. Cụ Minh Độ là người con út một gia đình họ Bùi ở Ân Thi, Hưng Yên đi làm con nuôi một ông họ Ngô ở Vân Xuyên.

Đến đời thứ 8 là cụ Ngô Văn Thấu (1888 – ?), đỗ tứ trường không ra làm quan mà ở nhà dạy học và bốc thuốc, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Gia đình cụ là cơ sở đầu tiên của khu căn cứ địa cách mạng  Hoàng Vân – ATK2 của trung ương và xứ ủy Bắc Kỳ.

5. Họ Ngô gốc Phạm (làng Phạm Xá – Yên Nhân – Ý Yên – Nam Định)

Con cháu Phạm Đạo Phú, đỗ Tiến sĩ năm 1490 thời Lê Thánh Tông, đổi họ Ngô khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê năm 1527.

6. Họ Ngô gốc Tô (thôn Xầy – Sơn Thành – Nho Quan – Ninh Bình).

Đổi họ tránh loạn Tây Sơn – Nguyễn Gia Miêu đầu thế kỷ XIX.

7. Họ Ngô gốc Đặng (xã Thành An – Trực Mỹ – Nam Trực – Nam Định).

Ông Đặng Văn  Huân lấy bà Ngô Thị Huệ sinh 3 con trai; trong đó con thứ 2 Đặng Văn Nhuần về Thành An cải sang họ mẹ là họ Ngô để dựa thế họ Ngô làm ăn được yên ổn. Đến nay đã 6 đời. Bà Ngô Thị Huệ là con gái cụ Ngô Bá Miêng (đời 33 HNVN) dòng Đồng Phang 3 Ngô Thế Bang phân cư về Liễu Đề-Nghĩa Hưng, Nam Định

Ngô Vui

 

 

Album ảnh

Quảng cáo