Ngày 18 tháng Giêng Kỷ Hợi – năm 2019 đúng ngày giỗ Đức vua Ngô Quyền tại khu Di tích lịch sử văn hóa – đền thờ của Ngài, thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Đoàn đại biểu họ Phùng Việt Nam cùng tác giả – nhà văn Phùng Văn Khai viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương đã có mặt dự lễ. Nhân dịp này tác giả đã tặng Hội đồng họ Ngô Việt Nam 50 cuốn tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương. Cuốn sách được Ban tổ chức lễ giỗ tổ của Hội đồng họ Ngô Việt Nam dâng lên bàn thờ Đức vua Ngô Quyền. Trong thời khắc thiêng liêng này thật ý nghĩa, có giá trị cao về tinh thần và tâm linh. Sau khi dâng lễ con cháu họ Ngô và khách thập phương được đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương của nhà văn Phùng Văn Khai đúng ngày giỗ tổ.
Tại Hội thảo và ra mắt cuốn sách, tại trường đại học Văn hóa, Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chủ trì, có nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà văn: Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, nhà văn Bùi Việt Sỹ, Giáo sư Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ… đã khẳng định cuốn tiểu thuyết lịch sử của tác giả Phùng Văn Khai đã khắc họa được tính chân thực của lịch sử thời kỳ lớn của triều đại Tiền Ngô Vương. Thông qua đó ca ngợi, đề cao công trạng hiển hách của Ngô Quyền đã chỉ huy quân dân đoàn kết một lòng đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng lấy lại độc lập chủ quyền sau hơn 1000 năm bị quân phương Bắc cai trị. Sau chiến thắng ấy Ngô Quyền đã xưng Vương mở ra kỷ nguyên quốc gia độc lập, tự chủ trong lịch sử nước ta, là vị Tổ Trung hưng đất nước. Ngô Quyền và triều đại Tiền Ngô Vương mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc, tuy nhiên các nhà khoa học, sử học và Hội đồng họ Ngô Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ thêm những nét khuất của lịch sử. Chính vì vậy cuốn tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương cũng còn những hạn chế nhất định như: Chưa khắc họa rõ nét tính cách nhân vật trung tâm là Ngô Quyền và các tướng sĩ. Đồng thời cũng chưa nêu bật, lý giải được bối cảnh và tâm lý nhân vật trung tâm và những sự kiện xoay quanh nhân vật trung tâm đó. Khi Trao đổi với nhà văn Phùng Văn Khai anh cho biết, đề tài văn học về lịch sử gắn với anh như một nhân duyên, anh viết sách tiểu thuyết lịch sử như một sự dẫn dắt tự nhiên và cái tâm vì các bậc tiền nhân để viết. Bằng ngòi bút của mình, Phùng Văn Khai đã chắt lọc những tư liệu rất hiếm hoi, đã đưa những nhân vật lịch sử và sự kiện trở thành một hiện tượng văn học sống động, gần gũi, chân thực, khách quan trong mỗi trang sách, của các tác phẩm khác nhau mà anh đã viết, đó là các nhân vật như: Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão… Riêng cuốn Phùng Vương, anh đã dành gần 10 năm để học hỏi, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu để viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương. Cuốn sách Phùng Vương viết về Bố cái Đại vương – Phùng Hưng dày hơn 600 trang. Nay anh lại đầu tư công sức và thời gian để viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương gần 500 trang để viết về Ngô Quyền và thời đại Tiền Ngô Vương. Như chúng ta đã biết làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội là mảnh đất địa linh nhân kiệt, đất sinh ra hai vua: Phùng Hưng và Ngô Quyền. Mảng đề tài văn học lịch sử viết về hai nhân vật và sự kiện Phùng Hưng và Ngô Quyền rất ít và sơ sàì, Phùng Hưng trong Đại Việt sử ký toàn thư chỉ có 16 dòng; đối với Ngô Quyền trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chỉ viết được 20 dòng. Đến nay nhiều nhà văn cũng chưa đi sâu nghiên cứu và viết về các nhân vật và sự kiện Phùng Hưng và Ngô Quyền. Bởi nhiều sự kiện lịch sử còn bị che lấp, có những “khoảng trống”, hoặc có những vấn đề còn chưa được khẳng định, chưa được làm rõ… Rất mong các nhà khoa học, nhà sử học, và Hội đồng họ Ngô Việt Nam đưa ra những tư liệu, cổ vật, cổ tự để tra cứu làm rõ những nét khuất hoặc đính chính những nhầm lẫn của sự kiện lịch sử, tổ chức những Hội thảo khoa học để khẳng định chính thống. Có như vậy các nhà văn mới viết rõ nét hơn những nhân vật và sự kiện.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương được tác giả viết theo cách kể chương hồi, gồm 18 hồi. Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của nhà văn Phùng Văn Khai, người con họ ngoại viết về Đức vua Ngô Quyền. Đọc cuốn sách chúng ta đã được tác giả dầy công nghiên cứu, chắt lọc và viết nên cuốn tiểu thuyết lịch sử nhân vật và sự kiện cách chúng ta trên một nghìn năm, rất xa thời đại hiện nay nhưng đã toát lên cuộc sống, tình cảm những hoạt động của Hào trưởng Dương Đình Nghệ, quyền thế và danh giá nhất vùng, ông rất tin tưởng gả con gái của mình cho Ngô Quyền, một tướng trẻ, tài ba được mọi người quý trọng. Qua cuốn sách chúng ta thấy được nghĩa khí của Ngô Quyền và các tướng sĩ của Ngài. Thông qua những trang viết thể hiện tình cảm sâu đậm của nhà văn với Ngô Quyền, người Anh hùng dân tộc, đã lãnh đạo quân và dân ta chuẩn bị thế trận toàn diện để đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Bằng lịch sử năm 938. Chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, thời kỳ độc lập và chấm dứt một nghìn năm Bắc thuộc. Đã làm nên sức mạnh Việt Nam trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Vị vua đầu tiên mở ra thời kỳ Trung hưng đất nước, từ đó mở ra thời kỳ tiếp theo đánh quân xâm lược của nhà Đinh, Lê, Lý, Trần… Trong cuốn sách tác giả cũng đã tái hiện được chân dung đại cảnh, khí phách của Ngô Quyền tài ba mãnh liêt, trong thời kỳ lịch sử vô cùng khó khăn, xã hội đang chia cát cứ nhiều nơi. Đúng như Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã khẳng định: Đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương của nhà văn Phùng Văn Khai chúng ta thấy được sự hào sảng của nhân vật trung tâm là Ngô Quyền cùng các tướng sĩ trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Rất tiếc tác giả chưa khai thác để khắc họa được tính cách và tâm lý của nhân vật trung tâm. Trong binh pháp của mình, Ngô Quyền đã cùng các tướng sĩ và nhân dân các vùng cửa biển xây dựng các hậu cứ, đặc biệt là kho quân lương, đẵn cây, vót cọc tại Mỹ Xá, Dị Chế… nay là thôn Trịnh Mỹ, xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây vẫn còn đền Kê Lạc, thị trấn Vương, đền Nghĩa Chế và đền Già, nay là xã Dị Chế huyện Tiên Lữ, thờ Ngô Quyền, các vị vua tiếp theo và công chúa của Ngô Vương. Hằng năm cứ vào ngày 15 – 16 tháng hai âm lịch, nhân dân trong vùng mở lễ hội đón rước trọng thể và tế lễ Ngô Quyền. Nội dung cuốn sách cũng thể hiện được phần nào công tác chuẩn bị về mọi mặt cho chiến dịch lớn để đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chứ không chỉ đơn thuần là một trận đánh.
Một ý tưởng lớn trong cuốn sách cũng thể hiện được quan điểm của Đức vua Ngô Quyền sau khi đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, sau khi đăng quang ngôi vua đã theo ý muôn dân, các vị lão trượng cùng văn thần võ tướng và trăm quan hiến kế dời đô sang thành Cổ Loa, đồng thời giao cho các võ tướng chọn người hiền tài để ra giúp nước, xây dựng nhà nước độc lập, tự chủ đầu tiên. Sau khi đọc cuốn sách, chúng tôi cũng muốn biết trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương của tác giả có những nhân vật và sự kiện nào hư cấu không hoặc cải tên kể cả chính diện và phản diện.
Bài viết này, chúng tôi cũng chỉ nêu một số ý kiến có tính chất cá nhân, mong tác giả thông cảm. Nhân dịp này chúng tôi rất mong muốn được tiếp tục trao đổi với tác giả, hai bên cung cấp tư liệu cho nhau để chúng ta góp phần làm sáng rõ những nét khuất của các nhân vật và sự kiên của lịch sử. Chúng ta mong rằng lần tái bản sau cuốn tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương được bổ sung thêm những tư liệu quý, có những nét mới phục vụ người đọc càng yêu mến, kính trọng Ngô Quyền vị vua của các vị vua – Tổ Trung hưng đất nước và triều đại Nhà Ngô.
Ngô Xuân Bình
Hội đồng họ Ngô Việt Nam