Thống kê

Thêm một đoạn văn bản ở đây. Nhấp vào ô văn bản để tùy chỉnh nội dung, phong cách phông chữ và màu sắc của đoạn văn của bạn.

Add Your Heading Text Here

 

Giáo sư Đặng Vũ Khiêu – Anh hùng Lao động, nhà văn hóa Việt Nam (1916 – 2021)

Giáo sư Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Là người được thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia tộc Đặng Vũ, sau khi tốt nghiệp tú tài ở Hải Phòng, năm 1935 ông về Hà Nội hành nghề dạy học và đi vào nghiên cứu văn hóa Đông – Tây.

Giáo sư Vũ Khiêu tham gia cách mạng từ tuổi niên thiếu, làm công tác tuyên huấn ở chiến khu Việt Bắc, từng là Trưởng Ban tuyên huấn của Chiến khu Việt Bắc, Tây Bắc, trực tiếp tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950 và Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sau năm 1954 ông chuyển từ công tác tuyên huấn sang làm công tác nghiên cứu văn hóa và khoa học xã hội. Năm 1959 ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học và ngành mỹ học ở Việt Nam.

Trong cuộc đời hoạt động và sáng tác của mình, Giáo sư Vũ Khiêu đã xuất bản hàng trăm tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực như triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hoá, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn, cuộc đời một số thi hào, nhân vật lịch sử như: Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Trãi, Anh hùng và Nghệ sỹ, Bàn về Văn hiến Việt Nam… Ông còn là Chủ tịch Hội đồng biên soạn tổng tập Ngàn năm văn hiến Thăng Long (4 tập), tham gia biên soạn bộ Bách khoa thư Hà Nội, trực tiếp thực hiện tác phẩm Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ sử Ngàn năm Thăng Long gồm hơn 100 cuốn. Gần đây nhất là bộ Văn hiến Thăng Long gồm 3 tập dày 2.400 trang… Với vốn kiến thức được tích lũy trong suốt cuộc đời, ông trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa lớn của Việt nam.

Giáo sư Vũ Khiêu luôn có những nhận xét, đánh giá khách quan, trung thực về những cống hiến, đóng góp của các nhân vật lịch sử, đã kiến nghị với Nhà nước và có ý kiến mạnh mẽ với giới sử học về việc cần đánh giá xứng đáng vai trò, vị trí lớn lao của Đức Vương Ngô Quyền trong lịch sử nước nhà. Năm 2016 ông đã gửi thư cho Bộ Chính trị, kiến nghị cho xây dựng đền thờ và khu tưởng niệm Tiền Ngô Vương tại khu Di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, nơi Đức Vương đã định đô sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Từ kiến nghị của ông, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương, giao cho lãnh đạo thành phố Hà Nội xác định địa điểm và triển khai đề án xây dựng.

Năm 2003 khi Hội đồng Họ Ngô Việt Nam xuất bản cuốn Phả hệ Họ Ngô Việt Nam, Giáo sư Đặng Vũ Khiêu là người viết lời giới thiệu, trong đó có những nhận xét sát đáng và đánh giá cao đối với nội dung cuốn sách, đem đến sự khích lệ lớn lao cho Ban Biên tập cũng như cho con cháu họ Ngô nói chung.

Về hoạt động đối ngoại, ông có nhiều đóng góp, sáng lập viên tham gia thành lập Hội Xã hội học các nước XHCN; giúp Bộ trưởng Ngoại giao điều hành nhiều hội thảo quốc tế của UNESCO tại Việt Nam; cùng Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp chủ trì nhiều cuộc hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam và Paris; được nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Chủ tịch Hội Khổng học thế giới mời làm cố vấn của Hội.

GS Vũ Khiêu là một trong những người được phong hàm giáo sư đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1996 ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một. Năm 2000 Giáo sư được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới.

Trái tim của vị Anh hùng Lao động, Nhà Văn hóa lớn đã ngừng đập.  Xin thành kính nghiêng mình trước anh linh Giáo sư và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, dòng họ.

HNVN
 

Album ảnh

Quảng cáo