Tới dự hội thảo, đại biểu các cơ quan Trung ương có: Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long; GS.TS Từ Thị Loan – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Hội khảo cổ, Viện Sử học và đại biểu một số bảo tàng, học viện, trường đại học chuyên ngành. Về phía tỉnh Phú Thọ có Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Quách Hải Lý cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Hội đồng họ Ngô Việt Nam cử đoàn đến dự gồm: Thiếu tướng, PGS- TS Ngô Tiến Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Ngô Việt Nam; các Phó chủ tịch: Ngô Văn Tuấn, Ngô Văn Minh, Ngô Quang nam; các Ủy viên Thường trực: Ngô Văn Xuân, Ngô Vi Tiết, Ngô Xuân Trường và một số cán bộ liên quan khác.
Tại Hội thảo, 16 ý kiến trình bày với nhiều tư liệu quý giá, các ý kiến đều đi sâu vào việc tìm hiểu, phân tích, luận giải và đánh giá về cuộc đời và công đức cao cả của Đức Vương Ngô Quyền, khẳng định giá trị văn hóa và vị thế, vai trò quan trọng của Đức Vương cũng như của Triều đại nhà Ngô trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và trong tâm thức của người Việt. Một số ý kiến cung cấp thêm những tư liệu mới có giá trị lịch sử, phục vụ đắc lực công tác nghiên cứu khoa học.
Hội thảo đã thống nhất một số điểm móc lich sử quan trọng liên quan đến Ngô Quyền và triều đại nhà Ngô, đó là:
– Ngày sinh của Đức Vương Ngô Quyền: 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ 897.
– Ngày mất của Đức Vương: 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn 944.
– Ngày đăng quang của Đức Vương: 11 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 939.
Kiến nghị với Nhà nước đưa các ngày trên vào Quốc lịch, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân tổ chức các ngày lễ cho thống nhất; Tiến hành việc thống kê, đánh giá đầy đủ các di tích thờ tự Đức Vương Ngô Quyền trên toàn quốc, kịp thời trùng tu, sửa chữa những di tích đã bị xuống cấp, đồng thời đảm bảo công tác bảo tồn di tích tránh để bị xâm hại hoặc biến dạng, làm mất giá trị văn hóa, lịch sử của di tích. Đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng khu di tích lịch sử và thờ tự Ngô Quyền tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Đề nghị các cơ quan tỉnh Phú thọ quan tâm phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của đền Chẹo, sớm hoàn thiện hồ sơ đê nghị cấp có thẩm quyền công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, tại thôn Nam Cường xã Thanh Uyên huyên Tam Nông có đền Chẹo thờ Đức Vương Ngô Quyền. Đền thờ được xây dựng từ đầu triều Lê và qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, lần trùng tu lớn gần đây vào năm 2017, Đền thờ đã được UBND tỉnh Phú Thọ xếp hang Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh. Tại đây, hàng năm nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 11 tháng Giêng (ngày Đức Vương lên ngôi). Tại lễ hội nhiều trò chơi dân gian được tổ chức nhằm tăng tính gắn kết cộng đồng dân cư.
Đây là một cuộc hội thảo khoa học quan trọng, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với 37 bản tham luận của các đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội cũng như đại diện con cháu dòng họ Ngô; được các cấp chính quyền địa phương tỉnh Phú thọ hết sức quan tâm, tận tình giúp đỡ do đó Hội thảo đã được tổ chức bài bản và thành công tốt đẹp.
NGÔ XUÂN
Dưới đây là một số hình ảnh Hội thảo: